Đất thổ canh, thổ cư là cách gọi rất phổ biến của giới bất động sản nhưng không có trong giấy tờ pháp lý. Vật đất thổ canh là gì? Có được xây nhà trên đất thổ canh không? Những quy định cần biết về đất thổ canh và chuyển đổi từ đất thổ canh sang thổ cư như thế nào? Hãy cùng Gia Bảo Home khám phá ngay trong bài viết này nhé!
Contents
Đất thổ canh là gì?
Thổ canh là một từ Hán Việt phổ biến trong xã hội từ những năm 90 trở về trước, được hiểu là đất chuyên sử dụng để trồng trọt và canh tác nông nghiệp.
Hiện nay, cách gọi “đất thổ canh” dần được thay thế bằng thuật ngữ theo quy định của Luật Đất đai là đất nông nghiệp. Mục đích sử dụng đất thổ canh rất đa dạng như: trồng lúa, trồng hoa màu, trồng cây lâu năm, làm ruộng muối,…

Bên cạnh đất thổ canh, thì đất thổ cư cũng là một khái niệm rất phổ biến, tuy không được gọi tên cụ thể trong văn bản pháp lý nhà đất nhưng hiện vẫn còn được xã hội sử dụng.
Đất thổ canh và thổ cư khác nhau như thế nào?
Theo Điều 13 Luật Đất đai thì đất thổ canh và thổ cư được phân biệt như sau:
- Đất thổ canh (đất nông nghiệp): Phục vụ cho mục đích canh tác, trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản, làm muối…
- Đất thổ cư (đất phi nông nghiệp): Chuyên dùng để xây nhà ở, các công trình, kiến trúc tôn giáo, nghĩa trang, công trình an ninh quốc phòng, công trình cộng đồng,…
Kết luận: đất thổ canh là đất nông nghiệp, còn đất thổ cư là đất phi nông nghiệp. Do đó, mục đích sử dụng và pháp lý của hai loại đất này là khác nhau.

Đất thổ canh có Sổ đỏ không?
Có. Các cá nhân, hộ gia đình có thể được cấp Sổ đỏ cho đất thổ canh và không phải đóng tiền sử dụng đất nếu đạt các điều kiện có trong Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định về việc cấp Sổ đỏ cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất mà chưa có Sổ đỏ sau:
- Sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (tức trước ngày 01/07/2014).
- Có các giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013.
- Có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nơi có đất cần làm sổ.
- Đất đang sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
- Được UBND cấp xã xác nhận là người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Đất thổ canh xây nhà được không?
Về lý thuyết, người dân không được phép xây nhà trên đất thổ canh vì đây là đất nông nghiệp, chỉ được dùng với mục đích nông nghiệp là trồng trọt, canh tác,… Để được phép xây nhà trên nền đất thổ canh, người dân cần chuyển đổi đất thổ canh sang thổ cư theo quy trình cụ thể sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ xin chuyển đối đất thổ canh sang thổ cư phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:
- Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất (theo mẫu).
- Sổ đỏ hoặc các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất hợp pháp.
- Các giấy tờ khác như: CMND/CCCD, Sổ hộ khẩu,…
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người dân mang bộ hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ đến nộp tại phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện. Người tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi vào sổ tiếp nhận và trao phiếu nhận hồ sơ cho người nộp nếu hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, thiếu giấy tờ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện theo quy định.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu:
Cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:
- Thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, xác định lại nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Hướng dẫn người nộp hồ sơ đóng các loại thuế, phí theo quy định của Nhà nước.
- Gửi hồ sơ lên UBND cấp có thẩm quyền để phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trường hợp cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất thổ canh để sử dụng vào mục đích dịch vụ, thương mại với diện tích trên 0,5 ha thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.
- Chỉnh lý hồ sơ địa chính và cập nhập vào cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính:
Phí chuyển đổi đất thổ canh sang thổ cư được tính như sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp
Người nộp hồ sơ sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp đủ chi phí khi nhận được thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bước 5: Nhận kết quả:
Thời gian giải quyết hồ sơ:
- Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Trong vòng 25 ngày đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Lưu ý: Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật; không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người nộp hồ sơ.
Trong vòng 3 ngày kể từ ngày hồ sơ hợp lệ được giải quyết, người nộp hồ sơ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp Sổ đỏ chuyển đổi mục đích sử dụng và đến nhận tại phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.

Trên đây là bài viết trả lời cho câu hỏi: Đất thổ canh là gì? Những quy định cần biết về đất thổ canh mà người dân cần biết khi có nhu cầu chuyển đổi đất thổ canh sang thổ cư theo nhu cầu sử dụng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin bổ ích giúp người dân hiểu và biết cách sử dụng đất thổ canh theo đúng quy định của Luật Đất đai.