Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chính của người nông dân. Vì vậy, khi thu hồi đất nông nghiệp, Nhà nước sẽ bồi thường cho người dân và có những chính sách hỗ trợ hợp lý.
Vậy, thu hồi đất nông nghiệp là gì và khi đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ được bồi thường như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay ở bài viết sau đây.
Contents
Đất nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp là loại đất do Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp bao gồm các mục đích sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng,…
Đất nông nghiệp gồm những loại nào?
Theo Luật đất đai 2013, đất nông nghiệp được chia thành 8 nhóm khác nhau:
– Đất trồng cây lâu năm.
– Đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác).
– Đất rừng sản xuất.
– Đất rừng đặc dụng.
– Đất rừng phòng hộ.
– Đất nuôi trồng thủy sản.
– Đất làm muối.
– Và nhóm đất nông nghiệp khác: Nhóm này gồm đất xây dựng nhà kính, nhà phục vụ nhu cầu trồng trọt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản phục vụ mục đích nghiên cứu, thí nghiệm,…

Các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp.
Luật đất đai năm 2013 quy định tại Khoản 1 Điều 15 về các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp. Cụ thể:
Trường hợp 1: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
Trường hợp 2: Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Trường hợp 3: Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người
Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của người sử dụng đất, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể mà người sử dụng đất sẽ được bồi thường theo quy định của Luật đất đai 2013. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng, bằng tiền mặt theo giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi. Việc bồi thường phải được thực hiện đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Điều kiện bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp là gì?
Theo điều 75 của Luật đất đai năm 2013 quy định, các đối tượng được Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Đối với cá nhân, hộ gia đình:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
Đối với tổ chức được Nhà nước giao đất
- Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê
- Nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
- Có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Đối với cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng
- Thuộc đối tượng không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê.
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê
- Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế,
Đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê
- Có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê
- Cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.Quy định về bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp
Luật đất đai 2013 đã quy định rõ những hình thức đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân, đó là:
- Đền bù bằng đất có cùng mục đích sử dụng. Theo đó, nếu thu hồi đất Nông nghiệp thì sẽ được đền bù bằng đất nông nghiệp với diện tích tương đương
- Đền bù bằng tiền bằng giá trị sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm thu hồi.
Hình thức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp:
Ngoài việc được đền bù bằng tiền và đất, người sử dụng đất còn được xem xét và hỗ trợ bằng các hình thức như:
- Hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
- Hỗ trợ khác: Hình thức hỗ trợ này sẽ được áp dụng tùy theo tình hình thực tế của địa phương. Đảm bảo tính công bằng, dân chủ đối với người có đất bị thu hồi.

Cách tính giá bồi thường đất nông nghiệp
Giá bồi thường đất nông nghiệp được tính theo công thức sau:
Giá đền bù đất nông nghiệp = Diện tích đất bị thu hồi (m2) x Giá đền bù (VNĐ/m2).
- Trong đó:
Giá đất được tính bằng = Giá đất ghi trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh đất nông nghiệp qua các năm x Hệ số điều chỉnh khác (nếu có).
Mức giá hỗ trợ đối với đất nông nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 47/2014/NĐ-CP về mức hỗ trợ sau khi bị thu hồi đất. Hỗ trợ một nhân khẩu sẽ được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo trong một tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương, cụ thể:
- Nếu thu hồi 30-70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng sẽ được hỗ trợ tối đa:
- 06 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.
- 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
- 24 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.
- Nếu thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng sẽ được hỗ trợ:
- 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.
- 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
- 36 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.
- Tiền hỗ trợ ổn định sản xuất: Hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó.
Mặt khác, cá nhân, hộ gia đình được bồi thường bằng đất nông nghiệp được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.
- Tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp:
Tiền hỗ trợ = Diện tích đất được bồi thường (m2) x Giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất x Hệ số bồi thường do địa phương quy định.

Lưu ý, địa phương quy định giá đất nông nghiệp, hệ số bồi thường tối đa là không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi nằm trong hạn mức giao đất ở địa phương.
Như vậy, chúng tôi vừa tổng hợp những kiến thức về đất nông nghiệp và những vấn đề xoay quanh đến việc bồi thường đất nông nghiệp. Mong rằng với những thông tin chúng tôi vừa cung cấp sẽ giúp bạn hiểu đúng, hiểu rõ hơn về đất nông nghiệp để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của mình. Để có những thông tin cụ thể nhất, bạn hãy liên hệ cơ quan quản lý địa chính tại địa phương để được giải đáp chuẩn xác nhất.
Đừng quên theo dõi và cập nhật những thông tin bđs hữu ích tại giabaohome.vn mỗi ngày.